4 tháng trước
Bản Chất Của Tình Yêu So Với Cảm Giác Thích Và Ham Muốn Tình Dục
342

5042
Lượt xem
63
Lượt chia sẻ
16
Lượt bình luận

Nếu bạn yêu cầu mười người khác nhau so sánh cảm giác yêu, thích và ham muốn tình dục, thì nhiều khả năng là bạn sẽ nhận được mười câu trả lời khác nhau. Tại sao lại thế? Rõ ràng là tình yêu và những thứ tương tự như nó đều là những cảm xúc phức tạp, một phần là vì trên đời này có bao nhiêu con người thì có thể cũng có bấy nhiêu định nghĩa về tình yêu.

Tình yêu không phải là thứ có thể nhìn thấy bằng mắt; mà đúng hơn thì nó là một cảm giác diễn ra sâu bên trong một con người, làm khởi phát một chuỗi những suy nghĩ và hành động sau đó biểu hiện ra bên ngoài. Chúng ta dùng những suy nghĩ và hành động đó để hình thành nên cảm nhận của riêng mình về tình yêu.

Bất kể bạn có nhìn nhận cảm giác yêu, thích và ham muốn tình dục như thế nào, thì vẫn tồn tại một cách giải thích đơn giản hơn được dựa trên khoa học, vượt trên những cảm tính và trải nghiệm cá nhân để tiết lộ cho ta biết sự "phải lòng" khi yêu là như thế nào.

Nhưng tại sao ta lại yêu người mà ta yêu đó?

Mọi người thường tự hỏi tại sao mình lại phải lòng với người mà mình đang yêu. Nhưng lần này tâm lý học sẽ chịu trách nhiệm trả lời.

Từ khi mới sinh ra, chúng ta đã phát triển sự nhận thức về những hành vi nào là được chấp nhận. Thường thì những điều mà ta trải qua khi còn nhỏ sẽ để lại tác động ăn sâu vào cách ta nhận thức về những điều khác trong cuộc sống, bao gồm cả tình yêu.[1]

Chúng ta thường phải lòng những người giống mình, những người có chung niềm quan tâm, hệ giá trị và những ước muốn, bởi đó là những thứ tạo cho ta cảm giác xác định rõ ràng. Người mà ta chọn yêu thường là hình ảnh phản chiếu của bản thân ta.

Có những điều về tình yêu mà khoa học biết đến nhưng bạn lại không nhận ra

Các cảm xúc và những yếu tố tạo nên chúng là đại diện cho những bí ẩn lớn nhất của cuộc sống, nhưng khoa học có thể đã tìm ra câu trả lời khi nói đến việc phân biệt điểm khác nhau thực sự giữa cảm giác thích, yêu và ham muốn tình dục. Một nghiên cứu được đăng trên trang Khoa Học Tâm Lý (Psychological Science) đã tiết lộ rằng tất cả đều tùy thuộc vào cách bạn nhìn nhận một người khác ra sao.[2]

Trong nghiên cứu đó, những người tham gia được cho xem những tấm ảnh của người khác giới và được yêu cầu hãy hình dung liệu họ có thể có cảm giác yêu hay ham muốn tình dục đối với mỗi người đó. Các nhà khoa học đã theo dõi sự chuyển động mắt của họ và khám phá ra rằng những người cảm nhận được tình yêu sẽ chăm chú vào khuôn mặt, trong khi những người thấy ham muốn tình dục sẽ chăm chú vào cơ thể. Nghiên cứu này cũng đã đưa ra các bức ảnh của các cặp đôi, và những người tham gia sẽ phải trả lời rằng liệu những bức ảnh đó gợi cho họ cảm giác yêu hay ham muốn tình dục.

Một lần nữa, sự tập trung được dồn nhiều hơn vào khuôn mặt nếu người tham gia trả lời là "tình yêu", và dồn vào cơ thể của cặp đôi trong hình nếu người tham gia trả lời là "ham muốn tình dục".

Tiếp đó là những sự thay đổi có thể nhận thấy được về hoạt động chức năng của cơ thể, chẳng hạn như sự tăng nhịp tim, lòng bàn tay và cảm giác nôn nao trong bụng. Nhưng khoa học đã tìm hiểu sâu hơn về những thay đổi của cơ thể bằng cách kiểm tra hàm lượng của các chất hóa học tạo cảm giác hạnh phúc trong não. Trong khoảng thời gian của tình yêu, mức serotonin và dopamine thường có xu hướng tăng lên.

Nhưng vì bạn không thể nhìn vào bên trong não mình nên có vài dấu hiệu khác rõ ràng hơn có thể chỉ ra rằng bạn đã tìm thấy tình yêu đích thực chứ không phải là cảm giác say mê nhất thời:

  • Bạn có liên tục nhìn vào người ấy không? Điều này có liên hệ với nghiên cứu sử dụng các bức ảnh kể trên, trong đó những người cảm nhận được tình yêu sẽ chăm chú vào khuôn mặt của người trong ảnh nhiều hơn là cơ thể của người đó.
  • Người đó có chiếm hết mọi suy nghĩ của bạn không? Người mà bạn yêu sẽ quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác mà trí óc bạn có thể nghĩ đến.
  • Có ai khác quan trọng với bạn nữa không? Bạn thấy thật khó để có những cảm giác tương tự đối với bất kỳ người nào khác.
  • Bạn sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc nếu có chuyện không hay sắp xảy ra với người đó chứ? Tình yêu đích thực cũng có nghĩa là bạn không thể hình dung được việc mình sẽ quay trở lại cuộc sống như trước khi quen biết người đó.

Nếu bạn trả lời "có" với bốn câu hỏi này, thì đó có lẽ chính là "người đặc biệt" rồi.

Cảm giác thích, yêu và ham muốn tình dục là khác nhau, bởi thực ra chúng nằm trong một phổ cảm xúc.

Bạn nên biết rằng cảm giác thích, yêu và ham muốn tình dục không thể hoán đổi cho nhau được, mặc dù mọi người thường sẽ thay thế cái này bằng cái kia trong những cuộc nói chuyện thường ngày. Hãy cùng nhìn vào những điểm khác biệt nào.

Thích

Ở mức độ nhẹ nhất của phổ cảm xúc, việc "thích" một thứ gì đó hoặc một người nào đó sẽ cho bạn cảm giác hài lòng thỏa mãn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể cảm thấy thỏa mãn như vậy nếu người đó hoặc thứ đó vắng mặt trong cuộc sống của bạn.

Chẳng hạn như bạn có thể thích người hàng xóm của mình vì họ có gu âm nhạc hay. Nhưng nếu người hàng xóm đó quyết định chuyển nhà đến nơi khác thì việc họ ra đi cũng chẳng để lại khoảng trống hụt hẫng nào trong cuộc sống của bạn cả.

Yêu

Ở mức độ mạnh mẽ hơn trong phổ cảm xúc, tình yêu là cảm giác ước ao khao khát không ngừng, ảnh hưởng đến các chức năng về mặt thể chất của cơ thể và tâm trí bạn (theo khoa học). Nói cách khác, hãy nghĩ về tình yêu như là một điểm không thể quay lui: một khi bạn đã phải lòng ai đó thì cuộc sống vốn có của bạn sẽ không bao giờ còn như cũ nữa.

Khi bạn tìm được một người khiến bạn lâng lâng say đắm thì người đó sẽ là tất cả những gì mà bạn có thể nghĩ đến, nói về, và nhìn vào. Tất nhiên những cảm giác này cũng có thể xảy ra kể cả khi đó không phải là tình yêu đích thực. Điểm khác biệt then chốt là khi những cảm giác này kéo dài hơn một vài tháng.

Ham muốn tình dục

Và có cả ham muốn tình dục, một cảm xúc (đôi khi là nguy hiểm) đội lốt tình yêu, nhưng có mục tiêu hoàn toàn khác. Có ba yếu tố rõ ràng giúp phân định hai cảm xúc này:

  • Ham muốn tình dục là nhất thời.
  • Ham muốn tình dục là một cảm xúc hời hợt thoáng qua, được dẫn dắt bởi các đặc điểm về thể chất, như ngoại hình của một người chẳng hạn.
  • Ham muốn tình dục dễ bị quên đi, trong khi tình yêu sẽ để lại tác động lâu dài.

Ham muốn tình dục thường tập trung nhiều hơn vào tình dục, với sự nhấn mạnh vào khoái cảm thể xác nhiều hơn là sự kết nối sâu sắc giữa hai người. Chẳng hạn như một người, có thể đã làm vài ly rượu, có thể sẽ thấy một ai đó trông thú vị hơn là khi người đó tỉnh táo không say xỉn. Sau khi tác động của rượu đã tan biến đi, cuộc sống có thể ngay lập tức trở lại như bình thường.

Theo một vài cách nào đó, bạn có thể xem ham muốn tình dục và cảm giác "thích" là tiền thân của tình yêu; tức là ham muốn tình dục và cảm giác "thích" cuối cùng rồi cũng sẽ tan biến. Khi điều đó xảy ra, nếu bạn vẫn còn quan tâm hứng thú với một người nào đó thì có thể là bạn đã tìm thấy tình yêu đích thực của mình rồi đấy!

Tình yêu có thể liên quan tới sự cân bằng giữa cảm giác yêu, thích và ham muốn tình dục.

Cả ba từ này trong tiếng Anh đều bắt đầu bằng chữ "L" (love, like và lust), nhưng còn lâu chúng mới đồng nghĩa với nhau.

Những khám phá khoa học về cách mà cơ thể và tâm trí phản ứng với mỗi cảm giác kể trên đã chứng minh điều đó. Nếu bạn muốn biết đó có phải là thật không thì hãy nghĩ về cách mà bạn nhìn vào một người, và cách mà một người nhìn vào bạn. Nếu mỗi người đều dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu khuôn mặt của người kia, thì có thể là bạn đã tìm thấy sự kết hợp đúng đắn rồi đấy.

Nguồn ảnh bìa: Stocksnap từ stocksnap.io

Tài liệu tham khảo