3 tháng trước
Bạn Thuộc Nhóm Nào Trong 7 Loại Người Học Tập Sau Đây?
529

7994
Lượt xem
115
Lượt chia sẻ
3
Lượt bình luận

Chúng ta đều có một người bạn không cần bỏ công sức ra học, thậm chí chỉ nhìn qua bài vở khi đến buổi sáng có bài kiểm tra. Và rồi, bằng một phép màu nào đó, họ hoàn thành tốt bài kiểm tra.

Nếu bạn không còn học trong trường thì có khả năng bạn có một đồng nghiệp chỉ dùng một nửa thời gian bạn cần để chuẩn bị cho buổi họp và vẫn duy trì cuộc đối thoại đầy uyển chuyển, trong khi bạn chật vật toát mồ hôi. Những tình huống như vậy rất dễ dẫn tới sự ganh ghét, đố kị đối với người mà chúng ta thường sẽ dành sự quan tâm cho họ.

Nhưng hóa ra tất cả đều đơn giản là kết quả của việc họ nhận thức được cách rèn luyện, học tập nào phù hợp nhất với mình.

Mọi người đều có một cách học nhất định mà đối với họ là hiệu quả nhất. Bạn có thể miêu tả bản thân là một người học theo phương pháp trực quan và theo một số nghiên cứu, có đến 65% dân số thế giới là người thuộc nhóm này. Họ sử dụng hình ảnh và các công cụ minh họa khác để tìm hiểu và lưu trữ thông tin.[1]

Với người bạn được nhắc đến ban đầu, người chỉ cần có mặt trong buổi kiểm tra và biết đáp án cho bài thi, đó có thể là một người học dựa vào âm thanh, tức là họ nghe giảng và ghi nhớ mọi thứ ngay trong lớp. Không phải là họ không quan tâm đến việc đạt kết quả học tập tốt, nhưng thay vì đọc sách và nghiên cứu bằng hình ảnh thì họ thu nạp mọi kiến thức qua việc ghi nhớ khi lắng nghe bài giảng.

7 phong cách học tập khác nhau bạn cần biết

Bạn có thể vẫn luôn đạt kết quả tốt trong những bài kiểm tra, nhưng bạn không thể thỏa mãn được vì bạn đã dành cả đêm để học và đọc đi đọc lại những tấm thẻ ghi nhớ nhưng vẫn chỉ đạt được điểm số tương tự những người có vẻ chẳng dành nhiều thời gian để học.

Không phải bạn đã làm gì không đúng; có thể chỉ đơn giản vì bạn là người học theo kiểu trực quan, và đó là cách bạn thu thập thông tin, kiến thức thôi, phải không nào?

Nhiều người trong chúng ta nhận định bản thân là người học theo kiểu trực quan, vì như vậy dường như khá hợp lý, nhất là với số liệu thống kê cao đáng chú ý của nhóm người này. Hơn nữa, xem xét những thứ chúng ta ghi nhớ được ngày qua ngày, thì hầu hết trong số đó đều do chúng ta đã đọc hay thấy được trên kênh xã hội hay từ trải nghiệm. Nhưng bằng cách nào mà chúng ta có thể xác định chính xác phương pháp học phù hợp nhất với mình?

Trong khi không có nhiều nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy chúng ta có thể "ngủ trên sách" để tiếp nhận từ ngữ, nhưng vẫn có tới bảy cách thu nạp kiến thức để bạn nhận diện cho chính mình, từ đó giúp bạn không còn gặp quá nhiều khó khăn trong học tập hay chuẩn bị cho những công việc quan trọng.

Tất cả các cách trên đều có thể phối hợp với nhau, nhưng chọn lựa được cách nào để phối hợp thì không hề dễ dàng. Bạn có thể tham khảo danh sách bên dưới. Dù thế nào thì tôi vẫn cho rằng mình là người học chủ yếu theo trực quan, nhưng tôi có thể kết hợp thêm với cách sử dụng ngôn ngữ và hoạt động theo tập thể.

  1. “Trực quan (thuộc về không gian): Bạn thích sử dụng hình ảnh, minh họa, và nhận thức thiên về không gian.
  2. Âm thanh (thuộc về thính giác, âm nhạc): Bạn thiên về sử dụng âm thanh và âm nhạc.
  3. Ngôn ngữ (thuộc về ngôn ngữ): Bạn ưa dùng từ ngữ, trong cả lời nói hay chữ viết.
  4. Thể chất (thuộc về hành động): Bạn thích dùng tay hay cả cơ thể mình.
  5. Lý luận (thuộc về lý luận): Bạn ưu tiên dùng lý luận, tranh luận mang tính hệ thống.
  6. Tập thể (mang tính xã hội): Bạn làm việc tốt hơn khi học theo nhóm, hay với người khác.
  7. Cá thể (mang tính độc lập): Bạn thích học tập và làm việc một mình, có xu hướng tự giải quyết mọi vấn đề.”[2]

Cách học bạn kiên quyết duy trì có thể không phải là tốt nhất cho bạn

Vì muốn tập trung vào những thứ cụ thể, tôi đã thực hiện một bài kiểm tra để được đánh giá xem kiểu học/làm việc nào là hợp với mình nhất. Bài kiểm tra trực tuyến này khá dễ và có thể giúp ích cho bạn: Memletics Learning Styles Questionnaire.

Hóa ra tôi đã sai hoàn toàn! Danh sách sau đây là kết quả tôi đạt được:

  • Trực quan - 7
  • Tập thể - 13
  • Thể chất - 9
  • Âm thanh - 16
  • Ngôn ngữ - 17
  • Cá thể - 12
  • Lý luận - 7

Tôi không ngạc nhiên khi thấy điểm cho mục Ngôn ngữ là cao nhất, và bây giờ tôi chú ý tới nó nhiều hơn. Sau cùng, khi tôi dùng lời nói cố gắng giải thích điều gì đó với người khác, tôi luôn ghi nhớ nhanh và bền hơn.

Sử dụng đúng phong cách học tập giúp bạn học/làm việc hiệu quả hơn

Ngay cả khi bạn đã ra trường, biết cách học phù hợp vẫn có thể giúp bạn có cuộc sống dễ dàng hơn. Một khi đã biết kết quả của mình, tôi có thể sử dụng phương pháp ngôn ngữ để giải quyết các vấn đề và có được thông tin mình cần. Tôi có thể tự tin rằng không ai trên thế giới có cách học y hệt như mình, và những kiến thức tôi nhận được sẽ được sử dụng theo cách riêng của tôi. Điều đó rất cần thiết và phải được coi trọng. Chắc chắn là tôi cũng có thể áp dụng những hình thức thu tập tri thức này vào đời sống hằng ngày hay trong công việc của mình.

Kết quả của bạn có khiến bạn ngạc nhiên không? Và tại sao lại như vậy?

Ngay cả khi bạn nhận định mình là một người học bằng ngôn ngữ và bài khảo sát trên cũng xác nhận như vậy, thì bạn có luôn chọn cách này để học hay làm việc trong cuộc sống? Sau cùng, nắm được các thông tin này không đồng nghĩa với việc bạn biết được việc mình cần làm. Vì vậy bạn cần phân tích sâu hơn thay vì chỉ ngừng ở bước xác định thế mạnh nhé.

Các cách tiếp cận học tập dành cho những người học khác nhau

Một khi bạn đã xác nhận được các cách học nào thích hợp với mình, bạn cần nắm được cách sử dụng các phương pháp ấy:

  • Người học theo Trực quan thường dùng màu sắc, thứ tự sắp xếp và có tổ chức không gian làm việc/học tập. Sơ đồ tư duy và biểu đồ cũng có ích cho họ. Ngoài ra, thói quen đánh dấu để các từ khóa, mệnh đề quan trọng trở nên nổi bật cũng cần thiết; màu sắc đánh dấu sẽ giúp họ ghi nhớ thông tin về sau.
  • Người học theo Tập thể nên tổ chức làm việc theo nhóm thường xuyên. Đối với trường học, nhóm học tập là một lựa chọn không tồi. Nếu đã đi làm, họ cần chú ý đến các buổi họp hợp tác và các hội thảo. Một cách khác là dành thời gian đánh giá hiệu suất và ý tưởng lẫn nhau. Với những người học theo tập thể, quan trọng nhất là phải giữ được sự tương tác.
  • Những người học bằng Thể chất quan trọng về cảm giác thể chất và chuyển động. Nếu bạn đã từng gặp một kỹ sư, bạn sẽ thấy họ luôn tách các bộ phận ra rồi lắp ghép chúng lại. Đó là cách họ học về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của vật thể. Các thẻ ghi nhớ cũng giúp người học bằng thể chất, khi cầm nắm và di chuyển các thẻ này cũng là một hoạt động thể chất. Khi cần ghi chú, bạn cần diễn tả cảm giác vật chất đối với mọi hoạt động của mình.
  • Những người học bằng Âm thanh cần âm thanh, vần điệu và âm nhạc để làm việc. Sử dụng các bản ghi âm rất có ích, vì chúng giúp họ tập trung vào việc liên kết và hình dung lại các nội dung họ đã thu nhận được qua lắng nghe. Người học bằng âm thanh có thể nhớ lại tất cả các thông tin liên quan đến âm thanh nào đó bằng cách nghĩ về âm thanh đó - họ không cần phải thực sự nghe âm thanh đó.
  • Những người học thông qua Ngôn ngữ nên tập trung vào các kỹ thuật nói và viết. Tương tự như cách học Âm thanh, người học bằng ngôn ngữ nên tận dụng tối đa các kỹ thuật từ ngữ như âm vần và nhịp điệu. Phương pháp Mnemonics, đặc biệt là phương pháp viết tắt khi dùng chữ cái đầu tiên của các từ, rất hữu ích cho cách học này, cũng như việc sử dụng kịch bản. Người học không chỉ đọc to để ghi nhớ mà còn làm tăng tính kịch tính, tính đa dạng, đảm bảo việc ghi nhớ nội dung.
  • Những người học Độc lập cần thời gian yên tĩnh và cơ hội để tự học một mình. Việc họ có được mục tiêu và ý thực được tầm quan trọng của mục điêu đó là vô cùng cần thiết. Có được mục tiêu, hướng đi và các kế hoạch giúp họ xác định thật rõ phương hướng tiến hành. Sử dụng bản ghi chép hay một cuốn nhật kí có thể giúp Người học Độc lập phác thảo ý tưởng và tạo mối kết nối trực tiếp với chủ đề đang phân tích.
  • Những người học thông qua Lý luận hướng đến mục tiêu thấu hiểu nguyên nhân của mọi vấn đề. Thực sự nắm bắt các chi tiết thuộc nội dung đang nghiên cứu giúp họ nhớ được kiến thức tốt hơn. Khi học, Người học bằng Lý luận nên lập các danh sách và sử dụng số liệu thống kê. Dùng các hình ảnh liên tưởng cũng là một cách tốt, thậm chí ngay cả khi chúng phi logic. Nghe thì có vẻ vô lý, nhưng chính tính phi logic của hình ảnh liên tưởng ấy giúp người học ấn tượng và ghi nhớ nhanh hơn. Những người học theo cách này có xu hướng suy nghĩ thái quá các vấn đề nên dễ gặp khúc mắc tâm lí. Trong trường hợp này, bạn cần cố gắng tập trung trở lại vào mục tiêu ban đầu của quá trình học tập này.[3]

Khi đã am hiểu hơn về các cách học tập và lựa chọn cách nào phù hợp với mình, tôi muốn đưa ra thử thách khi đề nghị bạn tiếp cận các vấn đề theo cách bạn cảm thấy hiệu quả nhất. Sẽ có một thời điểm bạn bỗng dưng trở thành người không đặt quá nhiều công sức vào quá trình nhưng vẫn đạt được mục tiêu của mình.

Tài liệu tham khảo